Find answers. Ask questions.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát mặt hàng gạo

{getToc} $title={Xem nhanh}

259/TCHQ-GSQL ngày 21/01/2022

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Quá trình theo dõi hoạt động xuất nhập khẩu gạo thời gian vừa qua cho thấy số lượng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng gạo 05 tháng đầu năm 2021 tăng đột biến so với cùng kỳ và có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ gạo của Việt Nam để xuất khẩu đi các thị trường khác. Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ mặt hàng gạo, phòng chống gian lận, xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp đối với mặt hàng gạo nhập khẩu (có mã số HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40.90) từ các thị trường sau đó xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu đi các thị trường khác, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đon vị hải quan trực thuộc chú ý thực hiện các nội dung sau:

1. Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu gạo 

a. Đối với gạo nhập khẩu: 

Căn cứ Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTT ngày 20/09/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thì sản phẩm gạo (mã số HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40.90) thuộc đối tượng phải kiểm dịch thực vật và kiểm tra an toàn thực phẩm khi nhập khẩu. 

b. Đối với gạo xuất khẩu: 

Căn cứ Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/08/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo (có hiệu lực từ ngày 01/10/2018) thì: (1) thương nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định này và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, có quyền được kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; (2) thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, khoản 2 Điều này, được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận. 

2. Kiểm tra xuất xứ 

Thực hiện kiểm tra, xác định xuất xứ cụ thể đối với hàng hóa là gạo có mã số HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40.90 theo các quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 5/9/2019), Quyết định số 4286/QĐ-TCHQ ngày 31/12/2015 và công văn số 5189/TCHQ-GSQL ngày 13/8/2019 của Tổng cục Hải quan, và các văn bản có liên quan. 

3. Kiểm tra thực tế 

- Đối với lô hàng được hệ thống phân luồng kiểm tra: khi kiểm tra, công chức hải quan lưu ý kiểm tra việc ghi nhãn đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. 

- Chuyển luồng kiểm tra thực tế đối với các lô hàng gạo (mã số HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40.90) xuất khẩu theo loại hình B13 (xuất khẩu hàng đã nhập khẩu).

4. Trong quá trình kiểm tra kết quả nếu phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm thì tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp vụ việc có dấu hiệu gian lận phức tạp thì phối hợp với các lực lượng chức năng khác như Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường để điều tra, xác minh, làm rõ các dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. 

5. Tăng cường thu thập thông tin, rà soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu gạo trên địa bàn quản lý; đánh giá, phân tích thông tin để xác định các dấu hiệu rủi ro và các doanh nghiệp rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định.

Phối hợp chia sẻ thông tin với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan để triển khai các biện pháp kiểm tra trong thông quan, kiểm tra sau thông quan và kiểm soát chống buôn lậu.

Tổng cục Hải quan có ý kiến để các đơn vị biết, thực hiện.



Văn bản gốc