312/TCHQ-PC ngày 26/01/2022: Triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra văn bản và theo dõi thi hành pháp luật năm 2022
312/TCHQ-PC ngày 26/01/2022
Kính gửi: Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan
Thực hiện Quyết định số 2475/QĐ-BTC ngày 23/12/2021 của Bộ Tài chính về việc phê duyệt Kế hoạch kiểm tra văn bản, Danh mục văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) kiểm tra thực hiện năm 2022 và Quyết định số 2480/QĐ-BTC ngày 23/12/2021 của Bộ Tài chính về việc ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật năm 2021, căn cứ quy định tại:
- Điều 166, Điều 170 Luật Ban hành văn bản QPPL số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 63/2020/QH14);
- Chương VIII, IX Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP);
- Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020);
- Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư;
- Quy chế xây dựng, ban hành văn bản QPPL, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính (kèm theo Quyết định số 72/QĐ-BTC ngày 20/01/2022);
- Quy chế kiểm tra, xử lý văn bản của Tổng cục Hải quan; Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục thực hiện một số nhiệm vụ như sau:
I. Nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ về kiểm tra văn bản và theo dõi thi hành pháp luật, trong đó chú trọng các nội dung sau:
1. Không tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản hành chính có chứa QPPL.
2. Không tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn nhau.
3. Soạn thảo, ban hành văn bản QPPL theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản QPPL và văn bản hướng dẫn thi hành. Soạn thảo, ban hành văn bản hành chính theo đúng quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 và Quy chế xây dựng văn bản QPPL về hải quan; xây dựng, ban hành quy chế, quy trình nghiệp vụ trong lĩnh vực hải quan.
4. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra văn bản ngay từ bước soạn thảo đến khi văn bản được phát hành và áp dụng. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.
5. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác theo dõi, đánh giá thi hành pháp luật với tăng cường hoạt động kiểm tra văn bản QPPL. Việc theo dõi, đánh giá thi hành pháp luật phải được lồng ghép, kế thừa kết quả của công tác kiểm tra văn bản.
II. Kế hoạch kiểm tra văn bản năm 2022
1. Đối với văn bản QPPL và văn bản hành chính có chứa QPPL
1.1. Chủ động tự kiểm tra văn bản do đơn vị tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành và kiểm tra theo thẩm quyền đối với các văn bản QPPL do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành có quy định liên quan đến lĩnh vực hải quan, trong đó tập trung kiểm tra, phát hiện các sai phạm về nội dung của văn bản. Loại văn bản cần kiểm tra gồm:
a) Văn bản QPPL do Tổng cục Hải quan chủ trì soạn thảo, trình Bộ Tài chính ban hành dưới hình thức thông tư và thông tư liên tịch với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
b) Văn bản do Tổng cục Hải quan chủ trì soạn thảo, trình Bộ Tài chính ban hành hoặc liên tịch ban hành.
c) Văn bản có thể thức như văn bản QPPL hoặc văn bản có nội dung giải thích chính sách, chế độ, xử lý các vướng mắc liên quan đến chính sách, chế độ hoặc hướng dẫn nghiệp vụ do Lãnh đạo Tổng cục Hải quan ban hành hoặc do Lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục ký thừa lệnh Tổng cục trưởng ban hành.
d) Văn bản QPPL do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành có quy định liên quan đến lĩnh vực hải quan.
1.2. Cách thức kiểm tra
a) Đối với văn bản thuộc điểm a, d mục 1.1:
Căn cứ các quy định tương ứng của Luật Ban hành văn bản QPPL, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn để kiểm tra về thẩm quyền ban hành (thẩm quyền về hình thức và thẩm quyền về nội dung); về nội dung (tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất); về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bày, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản.
b) Đối với văn bản thuộc điểm b, c mục 1.1: Căn cứ văn bản QPPL tương ứng để kiểm tra về nội dung hướng dẫn tại văn bản có hay không chứa quy phạm; nội dung quy phạm được dẫn chiếu có hay không phù hợp với quy định pháp luật tương ứng.
c) Căn cứ pháp lý để xác định nội dung trái pháp luật của văn bản được kiểm tra là văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn và đang có hiệu lực tại thời điểm ban hành văn bản được kiểm tra.
1.3. Cách thức xử lý văn bản vi phạm thực hiện theo quy định tại Điều 130 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP); Quy chế kiểm tra, xử lý văn bản của Tổng cục Hải quan.
1.4. Chế độ báo cáo
a) Các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục định kỳ hàng tháng (trước ngày 15), sáu tháng (trước ngày 05 tháng 5) và hàng năm (trước ngày 5 tháng 10) báo cáo kết quả kiểm tra (theo mẫu số 1 và mẫu số 2) gửi Vụ Pháp chế để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục trình Bộ.
b) Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố định kỳ sáu tháng (trước ngày 05 tháng 5) và hàng năm (trước ngày 5 tháng 10), báo cáo kết quả kiểm tra (theo mẫu số 1) gửi Vụ Pháp chế để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục trình Bộ.
c) Trong trường hợp phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật cần phải xử lý ngay hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan thực hiện báo cáo đột xuất gửi về Tổng cục (qua Vụ Pháp chế) theo mẫu số 3 kèm theo Công văn này.
2. Đối với văn bản hành chính còn lại thực hiện kiểm tra, xử lý và báo cáo theo Công văn số 6420/TCHQ-PC ngày 01/10/2020 của Tổng cục Hải quan.
2.1. Giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục xây dựng Kế hoạch rà soát, đánh giá việc ban hành văn bản hành chính tại một số Cục thuộc Tổng cục và một số Cục Hải quan địa phương.
2.2. Giao Văn phòng Tổng cục trong trường hợp nhận được kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về văn bản do Tổng cục ban hành hoặc văn bản do các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục ban hành, chuyển 01 bản sao về Vụ Pháp chế để phối hợp kiểm tra, theo dõi việc thực hiện.
III. Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2022
1. Theo dõi tình hình thi hành pháp luật, phổ biến, quán triệt, tập huấn các văn bản QPPL về lĩnh vực Hải quan mới được ban hành.
2. Đảm bảo tiến độ ban hành và chất lượng văn bản quy định chi tiết thi hành của các văn bản QPPL.
3. Theo dõi về tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật.
4. Theo dõi về tình hình tuân thủ pháp luật trong phạm vi lĩnh vực được giao.
5. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu, gửi về Vụ Pháp chế để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục trình Bộ.
Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị biết, nghiêm túc thực hiện.
Văn bản gốc