Find answers. Ask questions.

755/GSQL-GQ2 ngày 06/06/2022: Vướng mắc về thủ tục hải quan với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ

{getToc} $title={Xem nhanh}

 755/GSQL-GQ2 ngày 06/06/2022

Kính gửi: Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ DKSH

(Đ/c: Tầng 16, Tòa nhà Peakview Tower, 36 phố Hoàng Cầu, P. Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội)

Trả lời công văn số 24052022/DKSH-CHQHNN ngày 24/05/2022 của Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ DKSH xin giải đáp vướng mắc về thủ tục hải quan với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ, Cục Giám sát quản lý về hải quan có ý kiến như sau:

1. Về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ

Căn cứ khoản 1 Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định:

“1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ gồm:

a) Sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm thuộc hợp đồng gia công theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP;

b) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;

c) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.”

Như vậy, đề nghị doanh nghiệp căn cứ thực tế giao dịch với thương nhân nước ngoài và quy định nêu trên để thực hiện.

2. Về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“2. Quyền xuất khẩu là quyền mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Quyền xuất khẩu không bao gồm quyền mua hàng hóa từ các đối tượng không phải là thương nhân để xuất khẩu, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

3. Quyền nhập khẩu là quyền được nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Quản lý ngoại thương thì kinh doanh tạm nhập, tái xuất là “Việc thương nhân mua hàng hóa từ một nước đưa vào lãnh thổ Việt Nam hoặc từ khu vực hải quan riêng đưa vào nội địa và bán chính hàng hóa đó sang nước, khu vực hải quan riêng khác”.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ thì “2. Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ được thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo quy định tại Điều 15 Nghị định này, không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.”

Căn cứ các quy định nêu trên, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất (nhập khẩu hàng hóa và bán chính hàng hóa đó sang nước thứ ba).

Cục Giám sát quản lý về hải quan trả lời để Công ty biết, thực hiện.

Văn bản gốc / Tư vấn thủ tục hải quan