CHI NHÁNH GIAO DỊCH CÔNG TY TNHH KINTETSU WORLD EXPRESS VIỆT NAM
Câu hỏi yêu cầu tư vấn - hỗ trợ
Lĩnh vực
Chính sách xuất nhập khẩu
Tiêu đề
Về trị giá hải quan hàng nhập khẩu, xuất khẩu
Câu hỏi
Hiện nay công ty TNHH Kintetsu World Express Việt Nam có làm thủ tục Hải Quan cho các công ty chế xuất và các doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu( Đối tượng miễn thuế, đối tượng không chịu thuế). Trong quá trình làm thủ tục, công ty chúng tôi có nhận được phản hồi của doanh nghiệp cần tư vấn về trị giá hải quan đối với hàng hóa thuộc điện được miễn thuế, không chịu thuế. Cụ thể như sau: 1. Theo quy định tại khoản 24, điều 4, luật hải quan số 54/2014/QH13 thì: ' Trị giá hải quan là trị giá của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ cho mục đích tính thuế, thống kê hải quan' Theo khoản 1, 2 điều 20 nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi Khoản 8 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP thì: '1.Trị giá hải quan hàng xuất khẩu là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất, không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế và phí vận tải quốc tế,… 2. Trị giá hải quan hàng nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên trên cơ sở áp dụng Hiệp định chung về thuế quan và thương mại hoặc theo các cam kết quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết…..' Theo doanh nghiệp hiểu, trị giá hải quan với hàng xuất khẩu là trị giá FOB đến cửa khẩu xuất đầu tiên (chưa bao gồm các chi phí đầu xuất khẩu khác đến cửa khẩu xuất đầu tiên) và trị giá hải quan với hàng nhập khẩu là trị giá CNF hoặc CIF (chưa bao gồm các chi phí điều chỉnh cộng hoặc trừ khác). Vậy với đối với hàng nhập khẩu và xuất khẩu các điều khoản DDU, DDP, DAP, tiền hàng đã bao gồm các chi phí đến nhà máy mà không thể tách riêng trị giá đến cửa khẩu nhập đầu tiên(CNF hay CIF) thì trị giá hải quan ở đây được tính như nào? Và nếu khai trị giá hải quan là trị giá tiền hàng DDU, DDP, DAP thì có được coi là khai sai trị giá hải quan không? Tương tự đối với hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp kí hợp đồng với đối tác điều kiện xuất khẩu trị giá hàng là EXW, doanh nghiệp thuộc đối tượng miễn thuế, không chịu thuế, trị giá trên tờ khai khai trị giá theo điều kiện EXW thì có được coi là khai sai trị giá hải quan không? 2. Theo khoản 3 điều 8, nghị định 128/2020/NĐ-CP thì: 'Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi khai sai so với thực tế về lượng (tang vật có trị giá trên 10.000.000 đồng), tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 và điểm d khoản 4 Điều này' Vậy đối với trường hợp khai trị giá hải quan là trị giá hàng theo điều khoản DDU, DDP, DAP của hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, đối tượng không chịu thuế thì có bị xử lý vi phạm hành chính theo khoản 3 điều 8, nghị định 128/2020/NĐ-CP không?
Nội dung tư vấn - hỗ trợ - trả lời
Đơn vị phụ trách
Vụ Pháp chế
Văn bản liên quan
Trả lời câu hỏi của Công ty, Bộ phận tư vấn của Ban biên tập có ý kiến trao đổi như sau:
Do không có hồ sơ cụ thể và nội dung thông tin Công ty cung cấp chưa đầy đủ nên Tổng cục Hải quan không có cơ sở để trả lời chính xác nội dung Công ty đề nghị. Tuy nhiên căn cứ nội dung câu hỏi và các quy định liên quan, Tổng cục Hải quan có ý kiến trao đổi như sau:
Việc khai trị giá hải quan thực hiện theo quy định của Luật Hải quan, Nghị định 08/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP), Thông tư 39/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 60/2019/TT-BTC):
- Khoản 1, 2, 3 Luật Hải quan quy định:
“1. Trị giá hải quan được sử dụng làm cơ sở cho việc tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
2. Trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất, không bao gồm phí bảo hiểm và phí vận tải quốc tế.
3. Trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
- Nguyên tắc, phướng pháp xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; đối tượng khai tờ khai trị giá hải quan thực hiện theo quy định tại Thông tư 39/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 60/2019/TT-BTC).
Căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan, điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC), khoản 1 Điều 3 Thông tư 39/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 60/2019/TT-BTC) thì người khai hải quan phải tự kê khai đầy đủ, chính xác, trung thực các tiêu chí trên tờ khai hải quan, các yếu tố làm căn cứ, liên quan đến tính thuế hoặc miễn thuế… Người khai hải quan tự kê khai, tự xác định trị giá hải quan theo các nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan.
Do đó, đề nghị Công ty căn cứ quy định của pháp luật về khai trị giá hải quan nêu trên, hồ sơ hải quan của hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu cụ thể, hướng dẫn chỉ tiêu thông tin khai báo đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Phụ lục II Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC) để khai báo trị giá hải quan.
Trường hợp khai sai các nội dung thông tin trên tờ khai hải quan, khai sai trị giá hải quan là đã vi phạm quy định của pháp luật về khai hải quan.
Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào hồ sơ vụ việc cụ thể, thời điểm thực hiện hành vi vi phạm, xác định quy định pháp luật đã bị vi phạm, hành vi vi phạm cụ thể và chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đó.
Khoản 3, khoản 6 Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm “Khai sai so với thực tế về lượng (tang vật có trị giá trên 10.000.000 đồng), tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật…”
“6. Vi phạm quy định về khai hải quan tại Điều này mà người khai hải quan tự phát hiện và khai bổ sung quá thời hạn quy định thì bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;”
Do đó, trường hợp người khai hải quan tự phát hiện sai sót trong việc khai sai trị giá khai hải quan, khai bổ sung quá thời hạn quy định thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3, điểm c khoản 6 Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020.
Tuy nhiên, để giải đáp, hướng dẫn cụ thể trường hợp của Công ty, đề nghị liên hệ trực tiếp với cơ quan Hải quan nơi giải quyết thủ tục hải quan.
Công ty có thể tham khảo văn bản nêu trên tại mục VĂN BẢN PHÁP LUẬT trên Cổng thông tin điện tử Hải quan theo địa chỉ http://tongcuc.customs.gov.vn.
Bộ phận tư vấn của Ban biên tập thông báo để Công ty biết./.
Trân trọng!