Cách thức tiêu hủy hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, sản phẩm sản xuất hàng may mặc không phải nộp thuế nhập khẩu không (hàng SXXK)
Customs
{getToc} $title={Xem nhanh}
Thông tin đơn vị gửi yêu cầu
Tên
Công ty TNHH Giang Cường
Câu hỏi yêu cầu tư vấn - hỗ trợ
Lĩnh vực
Thuế XNK
Tiêu đề
Cách thức tiêu hủy hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, sản phẩm sản xuất hàng may mặc không phải nộp thuế nhập khẩu không (hàng SXXK)
Câu hỏi
Dear các anh chị tư vấn. Doanh nghiệp em là doanh nghiệp SXXK. Căn cứ vào điểm đ, mục 2, khoản 6, Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP có quy định: 'Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, sản phẩm sản xuất, phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình sản xuất được phép tiêu hủy và thực tế đã tiêu hủy theo quy định pháp luật hải quan được miễn thuế nhập khẩu'. Anh chị cho em hỏi: Doanh nghiệp em có hàng hóa nhập khẩu (loại hình SXXK: E31) là nguyên liệu, vật tư hàng may mặc, sản phẩm sản xuất (hàng may mặc), phế liệu, phế phẩm (hàng may mặc) tạo thành trong quá trình sản xuất có nhu cầu cần tiêu hủy. Phương án tiêu hủy của doanh nghiệp là: - Đối với sản phẩm sản xuất, nguyên liệu là vải, bông, dựng ... sử dụng máy cắt, kéo cắt, cắt nhỏ, cắt vụn để không còn hình dạng, mục đích sử dụng ban đầu. - Đối với phụ liệu là băng keo, băng dán, nhãn các loại, các loại chỉ, dây treo thẻ, băng gai, băng lông, dây dệt, dây lõi, dây nhựa, dây luồn, lông vũ, tay kéo khóa, màng PE chống ẩm, thẻ bài, chun ... sử dụng máy cắt, kéo cắt, cắt nhỏ, cắt vụn để không còn hình dạng, mục đích sử dụng ban đầu. - Đối với phụ liệu là khóa kéo, cúc, chốt, ôze, thẻ an ninh, ghim, vòng chữ D, miếng nhựa che củ khóa ... sử dụng máy dập, búa đập dập, nát không còn hình dạng, mục đích sử dụng ban đầu. Trong quá trình tiêu hủy có sự giám sát của cơ quan hải quan. Vậy với phương án tiêu hủy như trên và thực tế doanh nghiệp thực hiện tiêu hủy như vậy và có sự giám sát của hải quan thì doanh nghiệp có được miễn thuế nhập khẩu không ạ. Em cảm ơn các anh chị!
Nội dung tư vấn - hỗ trợ - trả lời
Đơn vị phụ trách
Cục Thuế Xuất Nhập Khẩu
Văn bản liên quan
Trả lời câu hỏi của Công ty, Bộ phận tư vấn của Ban biên tập có ý kiến trao đổi như sau:
Căn cứ điểm đ khoản 1, điểm đ khoản 2 Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ quy định:
“1. Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, bao gồm:
…
đ) Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu được phép tiêu hủy tại Việt Nam và thực tế đã tiêu hủy.
2. Cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế:
…
đ) Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, sản phẩm sản xuất, phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình sản xuất được phép tiêu hủy và thực tế đã tiêu hủy theo quy định pháp luật hải quan được miễn thuế nhập khẩu.
Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu nhưng không sử dụng hoặc hàng hóa nhập khẩu đã sử dụng để sản xuất nhưng không xuất khẩu sản phẩm thì không được miễn thuế nhập khẩu, người nộp thuế phải đăng ký tờ khai hải quan mới và kê khai, nộp thuế với cơ quan hải quan theo mức thuế suất và trị giá tính thuế của hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới, trừ trường hợp làm quà biếu, quà tặng theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
…”
Căn cứ điểm d khoản 3 Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 42 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định:
“d) Tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm tại Việt Nam:
d.1) Tổ chức, cá nhân có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư phương án sơ hủy, tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm, trong đó nêu rõ hình thức, địa điểm tiêu hủy. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện việc tiêu hủy theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
d.2) Cơ quan hải quan giám sát việc tiêu hủy, phế liệu, phế phẩm theo nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân;
d.3) Cơ quan hải quan thực hiện giám sát trực tiếp việc tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trừ trường hợp nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị tiêu hủy có trị giá dưới 1.000.000 đồng hoặc số tiền thuế dưới 50.000 đồng.
d.4) Trường hợp cơ quan hải quan giám sát trực tiếp việc tiêu hủy, khi kết thúc tiêu hủy, các bên tiến hành lập biên bản xác nhận việc tiêu hủy.
Riêng đối với tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm của doanh nghiệp ưu tiên, cơ quan hải quan không thực hiện việc giám sát.”
Căn cứ quy định nêu trên, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu được phép tiêu hủy tại Việt Nam và thực tế đã tiêu hủy thì được miễn thuế nhập khẩu.
Đề nghị Công ty TNHH Giang Cường đối chiếu các quy định trên để thực hiện. Trường hợp có vướng mắc thì liên hệ với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục Hải quan để được hướng dẫn cụ thể.
Công ty có thể tham khảo văn bản nêu trên tại mục VĂN BẢN PHÁP LUẬT trên Cổng thông tin điện tử Hải quan theo địa chỉ http://tongcuc.customs.gov.vn.
Bộ phận tư vấn của Ban biên tập thông báo để Công ty biết./.
Trân trọng!