Công ty tôi có hợp đồng mua bán xuất khẩu hàng hóa với một khách hàng từ liên Bang Nga, trong hợp đồng mua bán ký kết đồng tiền thanh toán đều là Đô La Mỹ ( USD). Các mặt hàng này đều đã được thông quan và xuất khẩu cho khách hàng Nga. Do tình hình chính trị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Dẫn đến việc thanh toán bằng đồng ngoại tệ USD từ khách hàng Nga gặp phải khó khăn nên khách hàng đối tác của chúng tôi tại liên Bang Nga muốn thanh toán tiền hàng cho chúng tôi bằng VIỆT NAM ĐÔNG (VND) thay vì USD như thể hiện trên hợp đồng, hóa đơn và trên tờ khai thông quan . Bên đối tác có làm văn bản phụ lục hợp đồng thỏa thuận cho vấn đề này. Vậy nên chúng tôi muốn hỏi khi khách hàng chuyển đổi đồng tiền thanh toán cho chúng tôi bằng VND có ảnh hưởng gì đến thủ tục hải quan và thuế của bên tôi hay không, điều đó có vi phạm các thủ tục theo các quy định nhà nước không? Nếu được chúng tôi có cần làm các thủ tục gì hay không.
Nội dung tư vấn - hỗ trợ - trả lời
Đơn vị phụ trách
Văn bản liên quan
Các đơn vị trả lời nội dung liên quan chức năng nhiệm vụ của đơn vị.
Trả lời câu hỏi của Công ty, Bộ phận tư vấn của Ban biên tập có ý kiến trao đổi như sau:
1. Về nghĩa vụ thanh toán:
Căn cứ Điều 50 Luật thương mại số 36/2005/QH11:
“1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận.
2. Bên mua phải tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.
3. Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp hàng hoá mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra.”
2. Về hồ sơ hải quan, khai bổ sung hồ sơ hải quan:
2.1. Hồ sơ hải quan: đối với hàng hóa xuất khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính:
“1. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu
a) Tờ khai hải quan theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này.
Trường hợp thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, người khai hải quan khai và nộp 02 bản chính tờ khai hải quan theo mẫu HQ/2015/XK Phụ lục IV ban hành kèm Thông tư này;
b) Hóa đơn thương mại hoặc chứng từ có giá trị tương đương trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp;
c) Bảng kê lâm sản đối với gỗ nguyên liệu xuất khẩu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 01 bản chính;
d) Giấy phép xuất khẩu hoặc văn bản cho phép xuất khẩu của cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật về quản lý ngoại thương đối với hàng hóa xuất khẩu thuộc diện quản lý theo giấy phép:
d.1) Nếu xuất khẩu một lần: 01 bản chính;
d.2) Nếu xuất khẩu nhiều lần: 01 bản chính khi xuất khẩu lần đầu.
đ) Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc giấy thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành hoặc chứng từ khác theo quy định của pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành): 01 bản chính.
Trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định nộp bản chụp hoặc không quy định cụ thể bản chính hay bản chụp thì người khai hải quan được nộp bản chụp.
Trường hợp Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành được sử dụng nhiều lần trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành thì người khai hải quan chỉ nộp 01 lần cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu lô hàng đầu tiên;
e) Chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư: nộp 01 bản chụp khi làm thủ tục xuất khẩu lô hàng đầu tiên;
g) Hợp đồng ủy thác: 01 bản chụp đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép xuất khẩu, giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành hoặc phải có chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư mà người nhận ủy thác sử dụng giấy phép hoặc chứng từ xác nhận của người giao ủy thác;
Các chứng từ quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e khoản này nếu được cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo quy định pháp luật về một cửa quốc gia, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan.”
2.2. Khai bổ sung hồ sơ hải quan:
Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan về khai hải quan thì:
“4. Người khai hải quan xác định có sai sót trong việc khai hải quan được thực hiện khai bổ sung trong các trường hợp sau đây:
a) Đối với hàng hóa đang làm thủ tục hải quan: trước thời điểm cơ quan hải quan thông báo việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan;
b) Đối với hàng hóa đã được thông quan: trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra, trừ trường hợp nội dung khai bổ sung liên quan đến giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm.
Quá thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này, người khai hải quan mới phát hiện sai sót trong việc khai hải quan thì thực hiện khai bổ sung và xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.”
Căn cứ quy định nêu trên, việc khai bổ sung được thực hiện khi người khai hải quan phát hiện sai sót trong việc khai hải quan. Với trường hợp nêu tại vướng mắc dẫn trên, Công ty TNHH Tản Viên đã hoàn thành thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa, không có sai sót trong việc khai hải quan, do đó, không thuộc trường hợp khai bổ sung theo quy định tại Luật Hải quan.
3. Về trị giá hải quan
Trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu căn cứ hướng dẫn khai báo tại điểm 2.39 “Trị giá hoá đơn”, Phụ lục II Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015, được thay thế tại Phụ lục I Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính thì khi khai trị giá hoá đơn, người khai nhập mã đơn vị tiền tệ của hoá đơn theo chuẩn UN/LOCODE.
4. Về phương thức tính thuế
Phương thức tính thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 37, Điều 38 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính:
“2. Phương pháp tính thuế:
a) Việc xác định số tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải nộp đối với hàng hóa áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm được căn cứ vào số lượng đơn vị từng mặt hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu ghi trong tờ khai hải quan, trị giá tính thuế, thuế suất từng mặt hàng và được thực hiện theo công thức sau: Số tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải nộp = Số lượng đơn vị từng mặt hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu ghi trong tờ khai hải quan x Trị giá tính thuế tính trên một đơn vị hàng hóa x Thuế suất của từng mặt hàng…”
5. Về đồng tiền nộp thuế
Đồng tiền nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019; Điều 4 Thông tư số 06/2021/TT-BTC ngày 22/01/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019 về quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
“3. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đồng tiền nộp thuế là Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp được phép khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Tỷ giá tính thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.”
6. Về vi phạm:
- Khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.
Bộ phận tư vấn của Ban biên tập thông báo để Công ty biết./.
Trân trọng!