Find answers. Ask questions.

07/XNK-TMQT ngày 05/01/2024 Chính sách quản lý đối với hàng quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam

{getToc} $title={Xem nhanh}

07/XNK-TMQT ngày 05/01/2024

 Kính gửi: Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính

Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương nhận được văn bản số 6329/TCHQ-GSQL ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính về việc chính sách quản lý đối với hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam. Về vấn đề này, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương có ý kiến như sau:

- Điều 62 Luật Thương mại năm 2005 quy định:

“Điều 62. Thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa

Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác, quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao”.

Điều 2 Hiệp định quá cảnh hàng hoá giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào quy định:

“Điều 2:

Một số thuật ngữ trong Hiệp định được hiểu như sau :

1. Quá cảnh hàng hóa là việc vận chuyển hàng hoá thuộc sở hữu của pháp nhân, thể nhân của nước xin quá cảnh qua lãnh thổ của nước cho quá cảnh bằng đường bộ, kể cả việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hoặc các công việc khác đang được thực hiện trong thời gian quá cảnh dưới sự giám sát của hải quan và các cơ quan thẩm quyền khác.

2. Nước xin quá cảnh là nước có pháp nhân, thể nhân sở hữu hàng hoá quá cảnh.

3. Nước cho quá cảnh là nước cho thực hiện quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ nước đó.

4. Chủ hàng là pháp nhân, thể nhân sở hữu hàng hoá quá cảnh.

5. Người chuyên chở là pháp nhân được chủ hàng uỷ quyền hợp pháp vận chuyển hàng hoá quá cảnh."

- Điều 2 Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia quy định:

“Điều 2. Giải thích thuật ngữ

Một số thuật ngữ trong Hiệp định được hiểu như sau:

1. Quá cảnh hàng hóa là việc vận chuyển hàng hóa thuộc sở hữu của pháp nhân, thể nhân của nước xin quá cảnh qua lãnh thổ của nước cho quá cảnh, kể cả việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hoặc các công việc khác được thực hiện trong thời gian quá cảnh dưới sự giám sát của hải quan và các cơ quan có thẩm quyền khác phù hợp với các quy định pháp luật của nước cho quá cảnh.

2. Nước xin quá cảnh là nước có pháp nhân, thể nhân sở hữu hàng hóa quá cảnh.

3. Nước cho quá cảnh là nước cho thực hiện quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ nước đó.

4. Chủ hàng là pháp nhân, thể nhân sở hữu hàng hóa quá cảnh.

5. Người vận chuyển hàng hóa quá cảnh là pháp nhân hoặc thể nhân được chủ hàng ủy quyền hợp pháp vận chuyển hàng hóa quá cảnh phù hợp với quy định, pháp luật của nước cho quá cảnh.

6. Hàng cấm có nghĩa là hàng cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu."

- Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa về quá cảnh hàng hoá không có quy định về giải thích thuật ngữ trong Hiệp định. Theo đó, Hiệp định không có quy định về khái niệm chủ hàng.

- Khoản 3 Điều 35 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương quy định: “3. Đối với các Hiệp định quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam ký giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương”. Theo đó, tương ứng với mỗi Hiệp định, Bộ Công Thương đều ban hành Thông tư để nội luật hóa.

Điều 4 Thông tư số 11/2015/TT-BCT ngày 04 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quá cảnh hàng hóa của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa qua lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định:

“Điều 4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quá cảnh đối với hàng hóa quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư này cụ thể như sau:

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép quá cảnh hàng hóa: 01 (một) bản chính (theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Hợp đồng vận chuyển hàng quá cảnh: 01 (một) bản sao (có ký xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của chủ hàng).”

Qua rà soát các Hiệp định quá cảnh hàng hóa nêu trên và nội luật hóa tại các Thông tư hướng dẫn các Hiệp định, khi thực hiện quá cảnh hàng hóa theo Hiệp định quá cảnh Việt Nam - Trung Hoa, ngoài việc xin cấp giấy phép quá cảnh, chủ hàng hóa phải tuân theo tuyến đường quá cảnh, cửa khẩu quá cảnh và các yêu cầu về người chuyên chở và phương tiện vận chuyển theo quy định. Đồng thời, chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan trong toàn bộ thời gian lưu chuyển trên lãnh thổ Việt Nam.

Do đó, để khẳng định “việc chỉ căn cứ vào hợp đồng vận chuyển hàng hóa quá cảnh để xác định chủ sở hữu hàng hóa từ đó xác định chính sách quản lý sẽ dễ bị lợi dụng để không phải xin giấy phép quá cảnh” theo như ý kiến của quý Tổng cục tại văn bản số 6329/TCHQ-GSQL ngày 8 tháng 12 năm 2023 cần được đánh giá thêm dựa trên cơ sở pháp lý để xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa (như Hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai bên, Luật Thương mại, Công ước viên về mua bán hàng hóa quốc tế) cũng như thực tiễn thực hiện thủ tục của doanh nghiệp.

Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương trao đổi để Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính được biết.

⏬ Văn bản gốc