100/GSQL-GQ1 ngày 22/01/2024 Thủ tục hải quan (Công ty TNHH Kintetsu World Express Việt Nam)
100/GSQL-GQ1 ngày 22/01/2024
Kính gửi: Công ty TNHH Kintetsu World Express Việt Nam.
(Đ/c: Tầng 10&14 khối VP và Khách sạn B-Cao ốc Airport Plaza, Bluesky Office Building, số 1 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh)
Trả lời công văn số 001/11-2023-KWE-VAS của Công ty TNHH Kintetsu World Express Việt Nam liên quan đến việc gửi và lưu giữ chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Cục Giám sát quản lý về Hải quan – Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về chứng từ kiểm tra chuyên ngành
Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, trường hợp hàng hóa nhập khẩu phải nộp Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành (Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc giấy thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành hoặc chứng từ khác theo quy định của pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành) cho cơ quan hải quan trước khi thông quan thì khi làm thủ tục hải quan, người khai phải nộp 01 bản chính Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành cho cơ quan hải quan; trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định nộp bản chụp hoặc không quy định cụ thể bản chính hay bản chụp thì người khai hải quan được nộp bản chụp.
Trường hợp tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ không quy định doanh nghiệp phải nộp bản chính hay bản chụp giấy đăng ký có xác nhận của cơ quan kiểm tra thì doanh nghiệp được nộp bản chụp (bản scan gửi qua hệ thống có xác nhận bằng chữ ký số) cho cơ quan hải quan qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu nếu bản chụp giấy đăng ký đáp ứng quy định của pháp luật chuyên ngành.
2. Về hóa đơn cước
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC, hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu gồm: “Hóa đơn thương mại hoặc chứng từ có giá trị tương đương trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp...”
Theo quy định tại điểm b3 khoản 1 Điều 24 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, khi kiểm tra hồ sơ hải quan, trường hợp cơ quan hải quan phát hiện sai lệch giữa các thông tin trên chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan và thông tin khai trên tờ khai hải quan nhưng chưa đủ căn cứ để xác định tên hàng, mã số hàng hóa, mức thuế thì yêu cầu người khai hải quan nộp bổ sung tài liệu kỹ thuật hoặc hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc bản phân tích thành phần sản phẩm.
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC thì trường hợp hàng hóa nhập khẩu có nghi vấn về trị giá khai báo thì cơ quan hải quan hải quan thông báo cho người khai hải quan bổ sung hồ sơ như: chứng từ thể hiện chi phí vận tải, chứng từ bảo hiểm, chứng từ thanh toán và các chứng từ, tài liệu theo phương pháp xác định trị giá khai báo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC,...
Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC, trong bộ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu không bao gồm hóa đơn cước; tuy nhiên, khi kiểm tra hồ sơ hải quan, nếu cơ quan hải quan chưa đủ cơ sở, căn cứ để xác định tên hàng, mã số hàng hóa, mức thuế hoặc nghi vấn về trị giá khai báo thì yêu cầu người khai hải quan nộp bổ sung một số chứng từ, tài liệu có liên quan đến lô hàng nhập khẩu để thực hiện kiểm tra, xác định.
Trường hợp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, doanh nghiệp phát hiện cán bộ công chức hải quan yêu cầu nộp các chứng từ hải quan không đúng quy định thì phản ánh về Tổng cục Hải quan để xử lý kịp thời.
3. Về lưu giữ chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Hải quan thì chứng từ thuộc hồ sơ hải quan là chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử; chứng từ điện tử phải bảo đảm tính toàn vẹn và khuôn dạng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 16a Thông tư số 38/2015/TT-BTC được bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC, người khai hải quan có trách nhiệm lưu giữ bản chính các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan quy định tại khoản 1 Điều 16a trong thời hạn quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan, xuất trình cho cơ quan hải quan khi kiểm tra sau thông quan, thanh tra; bản chính có thể được thể hiện dưới dạng chứng từ điện tử hoặc chứng từ giấy; đối với chứng từ dưới dạng điện tử, người khai hải quan phải lưu bản điện tử.
Như vậy, trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng điện tử thì người khai hải quan phải lưu bản điện tử và phải đảm bảo tính toàn vẹn, khuôn dạng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
4. Về chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định RCEP Nội dung về chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định RCEP thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2022/TT-BCT ngày 18/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực.
Đề nghị Công ty nghiên cứu các quy định dẫn trên và đối chiếu với thực tế xuất nhập khẩu hàng hóa để thực hiện; trường hợp phát sinh vướng mắc, Công ty liên hệ với Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể. Cục Giám sát quản lý về Hải quan – Tổng cục Hải quan có ý kiến để Công ty TNHH Kintetsu World Express Việt Nam được biết.