Find answers. Ask questions.

695/TCHQ-GSQL ngày 05/02/2021 Thực hiện quyền xuất khẩu của doanh nghiệp FDI

{getToc} $title={Xem nhanh}

695/TCHQ-GSQL ngày 05/02/2021

 Kính gửi:

- Cục Hải quan tỉnh Bình Dương;

- Công ty TNHH Proter & Gamble Đông Dương.

(KCN Đồng An, P Bình Hòa, TX Thuận An, Bình Dương)

Tổng cục Hải quan nhận được vướng mắc của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương tại công văn số 3309/HQBD-GSQL ngày 25/11/2020, Công ty TNHH Proter & Gamble Đông Dương tại công văn số 1412021/PGI-CV ngày 14/01/2021 về việc thực hiện quyền xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo đó, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương báo cáo trường hợp doanh nghiệp FDI đã nhập khẩu hàng hóa theo quyền nhập khẩu, sau đó xuất khẩu nguyên trạng chính hàng hóa này theo quyền xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, qua kiểm tra đối chiếu hoạt động này với hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất có nhiều điểm giống nhau như cùng có hai hợp đồng mua bán riêng biệt, giá hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu khác nhau.

Trong khi đó tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ thì doanh nghiệp FDI không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Do đó, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương có nêu vướng mắc là hoạt động nêu trên của doanh nghiệp FDI là hoạt động xuất khẩu theo quyền xuất khẩu hay kinh doanh tạm nhập, tái xuất; doanh nghiệp sử dụng mã loại hình xuất khẩu gì trong trường hợp này và doanh nghiệp có được hoàn thuế đối với trường hợp này không. Về việc này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về việc thực hiện quyền xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Liên quan đến việc thực hiện quyền xuất khẩu của doanh nghiệp FDI như nội dung phản ánh của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã nêu, Tổng cục Hải quan đã trao đổi với Bộ Công Thương tại điểm 3.1 công văn số 5452/TCHQ-GSQL ngày 19/09/2018. Ngày 08/11/2018, Bộ Công thương có ý kiến tại điểm 3.1 công văn số 9123/BCT-PC: phạm vi, chính sách quản lý có liên quan của hoạt động kinh doanh tạm nhập - tái xuất và thực hiện quyền xuất khẩu của doanh nghiệp là độc lập theo quy định pháp luật. Do đó căn cứ quy định điểm c khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan thì người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình đề nghị Cục Hải quan tỉnh Bình Dương căn cứ quy định pháp luật và khai báo của doanh nghiệp để xử lý dứt điểm vụ việc, tránh kéo dài gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Giao các Cục Hải quan tỉnh, thành phố chủ động nghiên cứu, đánh giá (có số liệu minh họa cụ thể) hoạt động thực hiện quyền xuất khẩu của doanh nghiệp FDI theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ, nếu có tiềm ẩn rủi ro về chính sách thì báo cáo, kiến nghị nội dung sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) có cơ sở kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

2. Về việc sử dụng mã loại hình

Tổng cục Hải quan hướng dẫn mã loại hình đối với trường hợp hàng hóa đã nhập khẩu (bao gồm hàng hóa nhập khẩu theo quyền của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), sau đó xuất khẩu nguyên trạng, chưa qua sử dụng, gia công, chế biến (bao gồm hàng hóa xuất khẩu theo quyền của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan sử dụng mã loại hình B13- xuất khẩu hàng đã nhập khẩu.

3. Về việc hoàn thuế

Đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế, nhưng phải tái xuất (hàng hóa tái xuất phải nguyên trạng, chưa qua sử dụng, gia công, chế biến) đề nghị Cục Hải quan tỉnh Bình Dương căn cứ quy định tại Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Điều 34 nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ và công văn số 6529/TCHQ-TXNK ngày 08/10/2020 của Tổng cục Hải quan để thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo cụ thể nội dung vướng, kèm hồ sơ về Tổng cục Hải quan để được xem xét hướng dẫn.

Tổng cục Hải quan có ý kiến để Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, Công ty TNHH Proter & Gamble Đông Dương biết.