4325/TCHQ-TXNK ngày 12/09/2024 Hàng sản xuất xuất khẩu (Công ty TNHH SUCAFINA Việt Nam)
4325/TCHQ-TXNK ngày 12/09/2024
Kính gửi: Công ty TNHH Fushan Technology Việt Nam.
(Số 8 đường 6 Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh – Phù Chẩn – Từ Sơn – Bắc Ninh)
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 0027-2024-TC-0528 ngày 28/5/2024 của Công ty TNHH Fushan Technology (Việt Nam) đề nghị hướng dẫn hoàn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu theo quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối của doanh nghiệp chế xuất sau đó bán ra nước ngoài hoặc xuất bán cho doanh nghiệp chế xuất khác. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối của doanh nghiệp chế xuất
Trường hợp Công ty TNHH Fushan Technology (Việt Nam) là doanh nghiệp chế xuất được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 90/2018/NĐ-CP thì thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu theo quyền của doanh nghiệp chế xuất quy định tại Điều 77 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 53 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính.
2. Về sử dụng mã loại hình tờ khai
Căn cứ hướng dẫn tại Quyết định số 1357/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2021 của Tổng cục Hải quan và công văn số 4032/TCHQ-GSQL ngày 16/8/2021 của Tổng cục Hải quan:
– Trường hợp Công ty TNHH Fushan Technology (Việt Nam) đã được cấp quyền nhập khẩu và nhập khẩu hàng hóa theo quyền nhập khẩu thì Công ty đăng ký mã loại hình A41 – Nhập kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện quyền nhập khẩu.
– Việc sử dụng mã loại hình khi xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc từ hàng nhập khẩu (chưa qua quá trình gia công, chế biến) để trả lại chủ hàng, xuất ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất, theo công văn số 4032/TCHQ-GSQL ngày 16/8/2021 của Tổng cục Hải quan:
+ Trường hợp người xuất khẩu là người nhập khẩu ban đầu hoặc được người nhập khẩu ban đầu ủy quyền, ủy thác xuất khẩu và hàng hóa đáp ứng điều kiện không thu thuế xuất khẩu, hoàn thuế nhập khẩu thì sử dụng mã loại hình B13 – xuất khẩu hàng đã nhập khẩu.
+ Trường hợp người xuất khẩu không có nhu cầu thực hiện thủ tục không thu thuế xuất khẩu, hoàn thuế nhập khẩu hoặc người xuất khẩu không phải người nhập khẩu ban đầu, người được nhập khẩu ban đầu ủy quyền, ủy thác xuất khẩu theo quy định thì sử dụng mã loại hình B11 – xuất kinh doanh.
3. Về chính sách thuế
a) Về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Căn cứ điểm c khoản 1, khoản 2 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định:
“1. Các trường hợp hoàn thuế:
…..
c) Người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu nhưng hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu.
….
2. Hàng hóa quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này được hoàn thuế khi chưa qua sử dụng, gia công, chế biến.”
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 34 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định:
“1. Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhưng phải tái xuất được hoàn thuế và không phải nộp thuế xuất khẩu, gồm:
a) Hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan để sử dụng trong khu phi thuế quan.
Việc tái xuất hàng hóa phải được thực hiện bởi người nhập khẩu ban đầu hoặc được người nhập khẩu ban đầu ủy quyền, ủy thác xuất khẩu.”
Căn cứ quy định nêu trên trường hợp doanh nghiệp chế xuất đã được cấp quyền nhập khẩu thực hiện nhập khẩu hàng hóa theo quyền nhập khẩu nhưng phải tái xuất hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan (hàng hóa chưa qua sử dụng, gia công, chế biến) thì cơ quan hải quan xem xét hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu khi có đề nghị của doanh nghiệp. Hồ sơ, thủ tục hoàn thuế, không phải nộp thuế đối với hàng hóa thực hiện theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP .
b) Về thuế Giá trị gia tăng
Căn cứ Điều 60 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định:
“Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo hoặc được hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt… ”.
Căn cứ Điều 10 Thông tư số 06/2021/TT-BTC ngày 22/01/2021 của Bộ Tài chính quy định về thẩm quyền, thủ tục xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa.
Căn cứ Điều 131 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 64 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định thủ tục xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Công ty TNHH Fushan Technology đã được cấp quyền nhập khẩu và nhập khẩu hàng hóa theo quyền nhập khẩu (Việt Nam), đã nộp đủ các loại thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (nếu có) sau đó xuất khẩu trả lại chủ hàng nước ngoài, việc xử lý tiền thuế giá trị gia tăng nộp thừa thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 1453/TCHQ-TXNK ngày 14/3/2019 của Tổng cục Hải quan (đính kèm).
Trường hợp Công ty TNHH Fushan Technology (Việt Nam) đã được cấp quyền nhập khẩu và nhập khẩu hàng hóa theo quyền nhập khẩu, đã nộp đủ các loại thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (nếu có) sau đó xuất bán ra nước ngoài hoặc xuất bán vào khu phi thuế quan theo quyền xuất khẩu, đề nghị Công ty liên hệ với Cơ quan Thuế để được hướng dẫn đối với tiền thuế giá trị gia tăng đã nộp.
Đề nghị Công ty TNHH Fushan Technology (Việt Nam) nghiên cứu các quy định nêu trên và liên hệ với cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn thực hiện.
Tổng cục Hải quan thông báo để Công ty TNHH Fushan Technology (Việt Nam) biết.