Find answers. Ask questions.

4984/TCHQ-TXNK ngày 15/10/2024 Công tác thu Ngân sách nhà nước cuối năm 2024

{getToc} $title={Xem nhanh}

4984/TCHQ-TXNK ngày 15/10/2024

Kính gửi: Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.

Năm 2024, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 là 375.000 tỷ đồng. Dự toán 2024 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6 - 6,5%; giá dầu thô 70$/thùng; các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) tiếp tục lộ trình cắt giảm thuế, đặc biệt với các FTAs thế hệ mới.

Triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2024, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị 371/CT-TCHQ ngày 24/01/2024 về tăng cường hiệu quả thu ngân sách nhà nước, trong đó chỉ ra các nhóm giải pháp chung và giải pháp cụ thể cho từng đơn vị để triển khai đồng bộ trong toàn ngành. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bắt nguồn từ những vấn đề như: chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt; hệ thống ngân hàng - tài chính tiềm ẩn nhiều bất ổn; căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài, xung đột Isreal - Hamas ảnh hưởng đến sự phục hồi của chuỗi cung ứng. Kinh tế trong nước đã có những dấu hiệu tích cực, xuất khẩu sau thời gian bị kìm hãm đã phục hồi khi nhu cầu thị trường thế giới tăng trở lại. Việc thu hút đầu tư từ nước ngoài tăng mạnh, dẫn tới tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 15,9% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu chịu thuế tăng 7,1% và kim ngạch nhập khẩu chịu thuế tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thực hiện Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 02/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về điều hành dự toán ngân sách nhà nước, công văn số 10639/BTC-NSNN ngày 04/10/2024 của Bộ Tài chính về tổ chức điều hành NSNN, NSTW quý IV/2024, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đồng chí Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, trong đó cần tập trung:

1. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề tăng thu cho NSNN; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, thủ tục hành chính, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.

2. Thường xuyên đánh giá tình hình thu NSNN, rà soát nắm vững nguồn thu, nhất là các nguồn thu chính của đơn vị, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, phấn đấu cao nhất trong thực hiện dự toán thu NSNN năm 2024.

3. Song song với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu NSNN, cần tăng cường thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát; Kiểm tra sau thông quan đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, thanh tra chuyên ngành; Đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; Tập trung kiểm tra về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ,... kiên quyết không để tình trạng thất thu xảy ra trên địa bàn.

- Rà soát, thực hiện kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế tại khâu thông quan, khâu sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ để được áp dụng mức thuế thấp hoặc được hưởng các mức thuế ưu đãi đặc biệt trong đó tập trung kiểm tra những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về phân loại và áp dụng mức thuế và các mặt hàng Tổng cục Hải quan đã có công văn hướng dẫn, chấn chỉnh.

- Thực hiện kiểm tra, tham vấn trị giá trong khi làm thủ tục hải quan, kiểm tra trị giá sau thông quan đối với những mặt hàng và doanh nghiệp có rủi ro khai báo sai về trị giá, nhằm xác định đúng trị giá hải quan, trị giá tính thuế; áp dụng các biện pháp kiểm tra, xác minh về tính chính xác, trung thực của thông tin xác định trị giá hải quan do doanh nghiệp xuất trình để phòng ngừa và phát hiện các trường hợp có gian lận giá, từ đó có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Rà soát, thực hiện phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, tổ chức thực hiện thu hồi và xử lý nợ thuế đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu hồi nợ được giao tại Quyết định số 847/QĐ-TCHQ ngày 29/03/2024 của Tổng cục quan đảm bảo nợ thuế đến 31/12/2024 thấp hơn thời điểm 31/12/2023.

5. Tăng cường kiểm ra, rà soát, xử lý đúng đối tượng miễn thuế, không chịu thuế quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các Luật thuế khác, thực hiện đúng thủ tục miễn thuế tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 và Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan. Trường hợp phát sinh vướng mắc trong thực hiện thủ tục miễn thuế liên quan đến các Bộ quản lý chuyên ngành (như xác định hàng hóa trong nước chưa sản xuất được để thực hiện thủ tục miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để bảo vệ môi trường theo danh mục, tiêu chí quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường...), kịp thời báo cáo Tổng cục Hải quan để báo cáo Bộ Tài chính có văn bản trao đổi với các Bộ quản lý chuyên ngành liên quan, đảm bảo xử lý miễn thuế đúng quy định, đúng thẩm quyền.

6. Kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa, tổ chức thực hiện hoàn thuế nhập khẩu, xử lý tiền thuế nộp thừa đúng quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, pháp luật về quản lý thuế, thực hiện các giải pháp chống gian lận trong công tác hoàn thuế theo nội dung công văn số 356/TCHQ- TXNK ngày 18/01/2023 của Tổng cục Hải quan; phối hợp với cơ quan Thuế nội địa và các lực lượng khác trong đấu tranh ngăn chặn gian lận hoàn thuế GTGT, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách quy định; Yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát số thuế phải hoàn của năm 2024, thực hiện hoàn thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa đúng đối tượng quy định, chậm nhất trong tháng 12/2024, tập trung vào các đối tượng:

- Hoàn thuế của các trường hợp đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ.

- Hoàn thuế đối với hàng hoá nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã xuất khẩu sản phẩm theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016. Trường hợp chưa đủ cơ sở xác định hàng hoá nhập khẩu đã được đưa vào sản xuất sản phẩm và thực xuất khẩu thì thực hiện thu hồi số tiền hoàn thuế đã hoàn theo quy định.

- Xử lý tiền thuế nộp thừa đối với các trường hợp nộp bổ sung C/O.

7. Tăng cường kiểm tra, rà soát các trường hợp đã được áp dụng miễn trừ thuế nhập khẩu bổ sung theo quyết định của Bộ Công Thương (thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế chống trợ cấp), trường hợp lượng hàng hóa đã thực hiện miễn trừ vượt quá lượng hàng hóa trên quyết định của Bộ Công Thương hoặc hàng hoá nhập khẩu không đưa vào sản xuất thì thông báo cho tổ chức, cá nhân đã được áp dụng biện pháp miễn trừ biết, ấn định thuế đối với hàng hóa không đáp ứng quy định được phép miễn trừ theo mức thuế nhập khẩu bổ sung tại quyết định chính thức của Bộ Công Thương và thực hiện tiếp các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị triển khai thực hiện.

Văn bản gốc