Find answers. Ask questions.

6039/TCHQ-TXNK ngày 02/12/2024 Xử lý nợ thuế

{getToc} $title={Xem nhanh}

6039/TCHQ-TXNK ngày 02/12/2024

 Kính gửi: Cục Hải quan thành phố Hải Phòng.

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 6308/HQHP-TXNK ngày 16/7/2024 của Cục Hải quan thành phố Hải Phòng báo cáo vướng mắc về việc xử lý nợ thuế. Vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Trường hợp người nộp thuế đã được khoanh nợ, xóa nợ sau đó tự nguyện nộp đủ số tiền thuế nợ đã được khoanh, được xóa

Căn cứ khoản 2 Điều 18 Thông tư số 69/2020/TT-BTC quy định: “Người nộp thuế đã được khoanh nợ, xóa nợ mà quay lại sản xuất, kinh doanh, trừ đối tượng được xóa nợ quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết số 94/2019/QH14” thuộc các trường hợp phải hủy khoanh nợ, xóa nợ.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp quyết định khoanh nợ, xoá nợ đã ban hành đang có hiệu lực nhưng người nộp thuế đã tự nguyện nộp tiền vào ngân sách nhà nước thì không thuộc các trường hợp hủy quyết định khoanh nợ, quyết định xóa nợ. Tổng cục Hải quan ghi nhận vướng mắc nêu trên để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo căn cứ pháp lý trong quá trình thực hiện.

2. Về tính tiền chậm nộp sau khi chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh nợ

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14: “Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp quy định tại khoản 1 Điều này đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.”

Căn cứ khoản 3 Điều 23 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định: “Trường hợp người nộp thuế đã được cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định khoanh tiền thuế nợ mà Tòa án hủy quyết định tuyên bố một người là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc người nộp thuế tiếp tục hoạt động kinh doanh thì cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh tiền thuế nợ theo Mẫu số 02/KN tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Cơ quan quản lý thuế tính tiền chậm nộp đối với người nộp thuế kể từ ngày ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh tiền thuế nợ đến ngày người nộp thuế nộp đủ số tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.”

Căn cứ quy định nêu trên, việc tính tiền chậm nộp tại khoản 3 Điều 23 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP chi tiết hơn so với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Tổng cục Hải quan đã có phương án sửa đổi, bổ sung các tình huống tính tiền chậm nộp tại Luật sửa đổi bổ sung Luật quản lý thuế để đảm bảo bao quát hết các tình huống phát sinh. Trước mắt, đề nghị đơn vị căn cứ hồ sơ vụ việc cụ thể, đối chiếu với các quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định 126/2020/NĐ-CP để thực hiện.

3. Thời điểm áp dụng văn bản quy phạm pháp luật về xoá nợ

Căn cứ khoản 1 Điều 152 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định chuyển tiếp như sau: “Đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13”. (Như vậy, đối với khoản nợ phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13);

Căn cứ khoản 3 Điều 65 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 20 Điều 1 Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 quy định: “Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế quy định tại khoản 1 Điều 93 của Luật này và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá mười năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, nhưng không có khả năng thu hồi”

Căn cứ khoản 2 Điều 67 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 được sửa đổi bổ sung tại khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 quy định về thẩm quyền xoá nợ;

Căn cứ khoản 1 Điều 93 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;

Căn cứ khoản 3 Điều 85 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định về xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt “Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại điểm g khoản 1 Điều 125 của Luật này và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi”;

Căn cứ quy định nêu trên, đối với các khoản nợ thuế phát sinh trước thời điểm ngày 01/7/2020 nhưng doanh nghiệp bị thu hồi đăng ký kinh doanh sau thời điểm ngày 01/7/2020 thì xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 152 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Đối với các khoản nợ thuế phát sinh từ ngày 01/7/2020 thì thực hiện theo quy định tại tại khoản 3 Điều 85 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Tổng cục Hải quan trả lời để Cục Hải quan thành phố Hải Phòng biết và thực hiện.

⏬ Văn bản gốc